Xử phạt mua hàng không có hóa đơn như thế nào? Trừ những trường hợp pháp luật cho phép, các hành vi mua hàng không hóa đơn đều bị liệt kê vào danh sách bất hợp pháp. Mức độ xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy vào mức độ thiệt hại.
1. Những trường hợp nào được phép mua hàng không có hóa đơn?
Căn cứ theo Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.4, Thông tư 78/2014/TT-BTC và Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung có quy định về các trường hợp mua hàng không cần hóa đơn:
“- Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).”
Một số trường hợp mua hàng không cần hóa đơn.
Như vậy, trừ các trường hợp được phép mua hàng không hóa đơn ở trên, các trường hợp còn lại mua bán hàng hóa cần phải có hóa đơn. Bên bán và bên mua phải chịu xử phạt hành chính nếu không xuất hóa đơn tuân thủ theo quy định của pháp luật.
2. Mua hàng không hóa đơn bị xử phạt như thế nào?
Hành vi mua hàng không có hóa đơn, trừ những trường hợp được phép đều bị coi là vi phạm quy định pháp luật nên sẽ bị xử lý theo quy định.
Cụ thể, theo Khoản 4, Điều 11, Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định:
- Phạt 10 – 20 triệu đồng nếu người bán không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.
- Cùng với việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải lập hóa đơn bù cho người mua.
Xử phạt mua hàng không xuất hóa đơn.
Mặt khác, theo Công văn 3512/TCT-CS của Bộ Tài Chính ban hành ngày 22/8/2014:
- Nếu hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thì xử phạt vi phạm về hành vi trốn thuế.
- Nếu người bán không lập hóa đơn khi bán hàng có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì xử phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Tại Công văn 244/TCT-CS của Bộ Tài Chính, hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ đi kèm sẽ bị xử phạt như sau:
- Trong thời hạn 12 giờ không chứng minh được, thì xử phạt từ 200.000 đến 2.000.000 đồng
- Trong thời hạn 12 – 24 giờ không chứng minh được, thì xử phạt từ 300.000 đến 3.000.000 đồng .
Đặc biệt, nếu hành vi bán hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn cấu thành tội trốn thuế sẽ bị áp dụng mức phạt theo Điều 200, Bộ Luật HÌnh sự năm 2015.
3. Mua hàng không có hóa đơn có được tính vào chi phí hợp lý không?
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định các khoản không được trừ và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn vẫn được tính vào chi phí hợp lý nếu đáp ứng 3 điều kiện:
Điều kiện 1:
– Mua hàng hóa của người dân khai thác, sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra.
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra.
– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Mua hàng không hóa đơn có được tính vào chi phí?
Điều kiện 2: doanh nghiệp phải lập Mẫu 01/TNDN – Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào kèm theo Thông tư 78/2014/TT-BTC:
– Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực.
– Các khoản chi phí này KHÔNG bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với giá trị mua hàng hóa, dịch vụ từ 20 triệu đồng trở lên.
– Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Điều kiện 3: Cung cấp đủ các chứng từ đi kèm gồm:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.
- Chứng từ thanh toán trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ gồm: Đề nghị thanh toán, phiếu chi trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt hoặc giấy báo nợ trong trường hợp thanh toán qua ngân hàng.
- Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ.
Trên đây là các thông tin về hình thức xử phạt mua hàng không có hóa đơn. Doanh nghiệp có thể tham khảo để nắm được những trường hợp được mua hàng không hóa đơn, vẫn được tính vào chi phí hợp lý và những trường hợp buộc phải xuất hóa đơn để tránh bị phạt.