Hóa đơn của đơn vị đang tạm ngừng kinh doanh phải xử lý như thế nào? Vì nhiều lý do, ví dụ hoạt động kém hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh thay vì tiến hành giải thể công ty. Hóa đơn của doanh nghiệp trong thời gian này phải xử lý như thế nào đúng quy định?
1. Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có được xuất hóa đơn?
Căn cứ theo Điều 200, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/Qh13, và Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC, các doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh sẽ không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch, hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ nào.
Mặt khác, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, Bộ Tài Chính quy định người nộp thuế không phát sinh nghĩa vụ về thuế thì sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế nghỉ kinh doanh không trọn năm Dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.
Không xuất hóa đơn khi tạm ngừng kinh doanh.
2. Xử lý hóa đơn trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh
Hóa đơn của đơn vị tạm ngừng kinh doanh sẽ rơi vào 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp chưa kê khai khấu trừ thuế GTGT
Trường hợp doanh nghiệp chưa làm kê khai khấu trừ thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo cho doanh nghiệp để nắm được và tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Xử lý hóa đơn khi tạm ngừng kinh doanh.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT
Đối với trường hợp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra một số nội dung:
– Kiểm tra, xác minh đối với hàng hóa, dịch vụ: Hợp đồng mua – bán; địa điểm giao nhận; các hình thức giao nhận hàng hóa; các chi phí khi vận chuyển và quan trọng nhất là chủ sở hữu và xuất xứ của hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa).
– Kiểm tra, xác minh thanh toán: Ngân hàng giao dịch; hình thức thanh toán; đối tượng nạp tiền và số lần thực hiện giao dịch.
3. Lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh
Để tránh mắc phải những rắc rối về mặt pháp lý, trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế cần gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo cần có các nội dung:
Tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế;
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng;
- Lý do tạm ngừng kinh doanh;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh, của chủ hộ kinh doanh.
- Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định
Nộp thông báo tạm ngừng kinh doanh.
Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không được phép thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đồng nghĩa với việc sẽ không được xuất hóa đơn. Trường hợp cần xuất hóa đơn để giải quyết hàng hóa còn tồn đọng, doanh nghiệp phải thông báo với bên Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan Thuế để thực hiện khai thuế.