Cách hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm như thế nào? Khi phát hiện sai sót về đơn giá, số lượng hàng hóa, dịch vụ, thành tiền,… ảnh hưởng đến doanh thu và thuế GTGT, ngoài việc lập biên bản ghi nhận sai sót, lập hóa đơn điều chỉnh, hai bên còn cần lưu ý khi tiến hành hạch toán. Dưới đây là hướng dẫn hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm.
1. Một số quy định quan trọng về điều chỉnh giảm doanh thu
Theo Khoản 1, Điều 81, Thông tư 200, việc điều chỉnh giảm doanh thu cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Đối với các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán trả lại phát sinh cùng với kỳ tiêu thụ sản phẩm, kế toán thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh.
- Đối với sản phẩm, hàng hóa đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hoặc trả hàng thì kế toán điều chỉnh theo các nguyên tắc sau:
- Nếu chiết khấu thương mại, giảm giá hoặc trả hàng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán, ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
- Nếu chiết khấu thương mại, giảm giá hoặc trả hàng phát sinh sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì kế toán cần ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
Một số lưu ý khi kê khai điều chỉnh giảm doanh thu.
2. Hướng dẫn cách hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm
Đối với bên bán: Hạch toán vào các tài khoản như sau:
- Nợ TK: 511
- Nợ TK: 33311
- Có TK: 111, 112, 131.
Bên mua: tùy theo từng trường hợp sẽ hạch toán khác nhau:
Nếu hàng vẫn còn tồn trong kho thì ghi “Giảm giá trị hàng hóa”:
- Nợ TK: 111, 112, 331.
- Có TK: 156.
- Có TK: 1331.
Nếu hàng hóa đã bán thì kế toán ghi “Giảm giá vốn hàng bán”:
- Nợ TK: 111, 112, 331.
- Có TK: 632.
- Có TK: 1331.
Nếu hàng đó đã đưa vào sản xuất, kinh doanh hoặc quản lý thì kế toán ghi giảm chi phí tương ứng:
- Nợ tK: 111, 112, 331.
- Có TK: 154, 642.
- Có TK: 1331.
Hướng dẫn kê khai hóa đơn điều chỉnh giảm.
3. Ví dụ cách hạch toán điều chỉnh giảm
Để minh họa nghiệp vụ hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm, kế toán có thể tham khảo qua ví dụ sau:
Ngày 5/1/2021, Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn xuất bán cho khách hàng theo hóa đơn số 000217, ký hiệu TS/12P sau:
STT | Tên hàng hóa, dịch vụ | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
01 | Máy tính Laptop Lenovo Thinkpad T4560 | Chiếc | 10 | 7.000.000 | 70.000.000 |
02 | Sạc Laptop Lenovo Thinkpad T4560 | Chiếc | 10 | ||
Cộng tiền hàng | 70.000.000 | ||||
Thuế suất GTGT (10%) | 7.000.000 | ||||
Tổng cộng tiền thanh toán | 77.000.000 | ||||
Số tiền bằng chữ: Bảy mươi bảy triệu đồng chẵn |
Hóa đơn trên đã được thực hiện kê khai vào tháng 1/2021. Tuy nhiên, đến ngày 5/6/2021, công ty phát hiện bị sai đơn giá, giá thực tế là 6.900.000. Khi đó, Kế toán cần lập biên bản điều chỉnh, xuất hóa đơn điều chỉnh giảm:
STT | Tên hàng hóa, dịch vụ | Đơn vị tính | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
01 | Điều chỉnh giảm đơn giá của hóa đơn 000217, ký hiệu TS/12P ngày 5/1/2021 từ 7.000.000 thành 6.900.000 | Chiếc | 10 | 1.00.000 | 1.000.000 |
Cộng tiền hàng | 1.000.000 | ||||
Thuế suất GTGT (10%) | 1.00.000 | ||||
Tổng cộng tiền thanh toán | 1.100.000 | ||||
Số tiền bằng chữ: Một triệu một trăm nghìn đồng chẵn |
Dựa vào hóa đơn điều chỉnh, kế toán của Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn thực hiện hạch toán điều chỉnh giảm doanh thu như sau:
Bên bán:
Hạch toán Giảm Doanh thu và thuế GTGT phải nộp:
- Nợ TK 511: 1.000.000
- Nợ TK: 33311: 100.000
- Có TK 131: 1.100.000
Bên mua:
Hạch toán Giảm giá trị hàng hóa và thuế GTGT (Vì hàng còn tồn kho)
- Nợ TK 111, 112, 331: 1.100.000
- Có TK 156: 1.000.000
- Có TK 1331: 100.000
Nếu hàng đó đã bán thì hạch toán Giảm giá vốn hàng bán:
- Nợ TK 111, 112, 331: 1.100.000
- Có TK 632: 1.000.000
- Có TK 1331: 100.000
Trên đây là hướng dẫn cách hạch toán hóa đơn điều chỉnh giảm, kế toán có thể tham khảo để thực hiện.