Hiện nay, không ít kế toán mới vào nghề thắc mắc: có hóa đơn đầu vào nhưng không kê khai có vi phạm pháp luật hay không. Dưới đây, bài viết sẽ hỗ trợ kế toán doanh nghiệp giải đáp chi tiết vấn đề này.
1. Doanh nghiệp bị mất quyền lợi khi không kê khai hóa đơn đầu vào
Hóa đơn đầu vào được hiểu đơn giản là loại hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị kinh doanh.
Căn cứ vào Điều 15, Thông tư 219/2013/TT-BTC các hóa đơn đầu vào muốn được khấu trừ thì phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Phải có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào;
– Đối với các hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Và một điều hiển nhiên là: Các hóa đơn đầu vào chỉ được khấu trừ thuế GTGT khi đơn vị kinh doanh có tiến hành kê khai.
Như vậy, việc không kê khai hóa đơn đầu vào trước hết sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của doanh nghiệp, khiến các hóa đơn đầu vào không được hưởng khấu trừ thuế GTGT.
Thực tế, hiện chưa có một văn bản pháp luật nào quy định doanh nghiệp bắt buộc phải kê khai hóa đơn đầu vào. Do đó, có hóa đơn đầu vào nhưng không kê khai không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Một số rủi ro có thể gặp phải khi DN không kê khai hóa đơn đầu vào
Dù các đơn vị kinh doanh hoàn toàn được phép không kê khai mặc dù có hóa đơn đầu vào song việc làm này rất dễ khiến doanh nghiệp gặp một số rủi ro không đáng có.
DN dễ gặp phải rủi ro không đáng có khi không kê khai HĐ đầu vào.
Thứ nhất, trường hợp khi cơ quan thuế có tiến hành thanh, kiểm tra, nếu đơn vị kinh doanh không thể xuất trình, chứng minh được hóa đơn đầu vào cho các hàng hóa, dịch vụ đã mua thì đơn vị kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm làm mất hóa đơn.
Thứ hai, trường hợp các đơn vị kinh doanh không kê khai hóa đơn đầu vào, nếu bị cơ quan thuế chứng minh được đây là hành động nhằm mục đích trốn doanh thu thì đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu xử phạt vi phạm trốn thuế.
Như vậy, các đơn vị kinh doanh nên tiến hành kê khai thuế với các hóa đơn đầu vào. Đây là việc làm vừa gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp, vừa cho thấy sự tuân thủ nghiêm chỉnh quy định pháp luật.
Trường hợp đơn vị kinh doanh không muốn kê khai hóa đơn đầu vào thì cũng cần lưu giữ lại hóa đơn đầy đủ, để bất cứ khi nào có hoạt động thanh, kiểm tra từ cơ quan thuế thì đều có thể chứng minh được hóa đơn cho các hàng hóa, dịch vụ đã mua.
3. Quy định xử phạt vi phạm mất hóa đơn
Trường hợp các đơn vị kinh doanh không kê khai hóa đơn đầu vào, khi cơ quan thuế kiểm tra không thể xuất trình, chứng minh hóa đơn mua hàng thì sẽ phải chịu xử phạt với hành vi vi phạm mất hóa đơn.
DN không xuất trình được hóa đơn đầu vào sẽ bị xử phạt mất hóa đơn.
Căn cứ Điều 26, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm làm mất, cháy, hỏng hóa đơn, tùy mức độ vi phạm, sẽ phải chịu các mức xử phạt sau:
3.1. Phạt cảnh cáo
Hình phạt này áp dụng với các hành vi vi phạm sau:
– Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ;
– Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.
3.2. Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng
Hình phạt này áp dụng với các hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ.
Lưu ý rằng, trường hợp này thì người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.
3.3. Phạt tiền từ 4 – 8 triệu đồng
Hình phạt này áp dụng với các hành vi vi phạm sau:
– Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;
– Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Lưu ý rằng, các trường hợp vi phạm này thì bên mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.
3.4. Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng
Hình phạt này áp dụng đối với các hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ. Không áp dụng các vi phạm đã bị xử phạt trong các mục 3.1, 3.2, 3.3 đã nêu bên trên.
4. Quy định xử phạt hành vi trốn thuế
Trường hợp các đơn vị kinh doanh không kê khai hóa đơn đầu vào, khi cơ quan thuế kiểm tra và chứng minh được hành động này nhằm mục đích trốn doanh thu thì sẽ phải chịu xử phạt hành vi trốn thuế.
Hành vi trốn thuế bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy mức độ vi phạm mà hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt như sau:
4.1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn
Mức phạt tiền 1 lần số thuế trốn sẽ được áp dụng đối với trường hợp NNT có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi phạm phải những hành vi vi phạm sau:
– NNT không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, tính từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc tính từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Ngoại trừ các trường hợp đã quy định tại Điểm b, c của Khoản 4 và khoản 5 trong Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
– NNT không ghi chép vào sổ kế toán các khoản thu có liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn tới thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế. Ngoại trừ các hành vi quy định tại Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
NNT không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ trường hợp NNT đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nhưng sai thông tin về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– NNT sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm mục đích khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
– NNT sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế nhằm mục đích xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng với thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
– NNT sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định nhưng lại không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
– NNT có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng lại không thông báo với cơ quan thuế. Ngoại trừ các trường hợp được quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 10 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
4.2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn
Mức phạt 1,5 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 nhưng không hề có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ.
4.3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn
Mức phạt tiền 2 lần số thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có một tình tiết tăng nặng.
4.4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn
Mức phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có hai tình tiết tăng nặng.
4.5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn
Mức phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn được áp dụng đối với NNT thực hiện các hành vi sai phạm ở mục 2.1 và có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Lưu ý rằng: bên cạnh việc phải chịu xử phạt, các đơn vị kinh doanh phạm phải vi phạm trốn thuế sẽ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng Khoản 6, Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp chi tiết việc có hóa đơn đầu vào nhưng không kê khai thì có vi phạm hay không. Đồng thời cập nhật tới bạn và doanh nghiệp các rủi ro có thể gặp phải khi không kê khai hóa đơn đầu vào.